Cổ thụ đổ hàng loạt ở thủ đô nghi do đào xới vỉa hè
Trận mưa bão vừa qua, Hà Nội đã mất gần 200 cổ thụ. Nhiều cây gẫy đổ, lộ ra các ống cáp ngay sát gốc hoặc rễ bị chặt do quá trình đào xới vỉa hè.  

Theo Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, trận mưa chiều 17/8 đã gây đổ cây nhiều nhất tại các quận trung tâm như Hai Bà Trưng với 60 cây, quận Hoàn Kiếm có 33 cây, quận Đống Đa có 21 cây… Rất nhiều cây lớn có đường kính gần 1m bị gió quật ngã như trên phố Lê Thánh Tông, Lò Đúc, Nguyễn Hữu Huân, Phùng Hưng, Hàng Chiếu… Tính đến chiều 18/8, lực lương công nhân cây xanh đã cưa cắt, thu dọn được hầu hết cây lớn trên các tuyến phố.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội, cho biết, do Hà Nội đã có mưa rả rích nhiều ngày, cộng với gió xoáy mạnh trong cơn bão chiều 17/8 khiến hàng loạt cây lớn trên đường phố bị đổ. Phần lớn cây đổ là xà cừ, muồng… có rễ chùm. Nguyên nhân cây bị đứt rễ do vỉa hè lòng đường bị đào xới thì chưa thể khẳng định được.

Nhiều cây đổ để lộ ra các ống cáp găm vào sát gốc. Ảnh: Đoàn Loan.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của VnExpress, một số cây xà cừ, muồng lớn trên các tuyến phố bị bật gốc lộ ra nhiều đường ống nằm xung quanh, nguyên nhân do tình trạng đào xới vỉa hè để lắp đặt đường ống nước, điện, cáp viễn thông... khiến rễ bị đứt dần, cây mất độ bám, kém phát triển.

Chỉ vào cây xà cừ đổ tại số nhà 157 Lò Đúc khiến một tài xế taxi tử vong, bà Thu (người dân phố Lò Đúc) cho biết, bà thấy công nhân đào xới vỉa hè lắp đặt đường ống đã chặt vào cả rễ cây xà cừ này, nên trời mưa cây đổ là hiển nhiên.

Trao đổi với VnExpress, một cán bộ Công ty công viên cây xanh Hà Nội, cho hay, các cây bị đổ phần lớn ở mặt phố, trong khi cây đổ trong các khuôn viên lớn như vườn hoa, công viên là rất ít. Trên thực tế, nhiều hộ dân đua ban công ra mặt phố cũng chạm vào cây, hoặc làm nhà sát cây xanh khiến gây nghiêng dần sang hướng khác, cũng là một nguyên nhân gây đổ cây. Ngoài ra, mặc dù đã có quy định khi đào hè, các đơn vị thi công không được chặt rễ cây, không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, song không ai giám sát việc thực thi.

"Mỗi lần đào xới vỉa hè thì cây lâu năm mất thêm một ít rễ nên với các loại cây rễ chùm thì nguy cơ bị đổ khi mưa bão là khá lớn. Sau khi bị chặt rễ, cây vẫn có thể sinh trưởng nên người ta không chú ý. Khi có tác động lớn như gió bão thì nguy cơ đổ là rất cao", vị cán bộ Công ty công viên cây xanh nói.

Cây xà cừ đổ trên phố Lò Đúc chỉ có các rễ nhỏ li ti. Ảnh: Đoàn Loan.

GS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư kí Hội các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng việc đào xới vỉa hè là một tác động xấu tới sự sinh trưởng và phát triển của cây đô thị, song đây là một việc khó tránh khỏi bởi nhu cầu phát triển đô thị. Do vậy, để ngăn ngừa nguy cơ cây đổ, Hà Nội cần hạn chế trồng cây rễ chùm như xà cừ, mà dần thay thế bằng những cây rễ cọc như sấu, cơm nguội... Những loài cây này từ lâu đã được người Pháp trồng trên một số con phố Hà Nội song nay đã bị mất dần.

Ông Hùng cho rằng, cần quy trách nhiệm lãnh đạo công ty cây xanh hoặc lãnh đạo thành phố khi trồng các loại cây rễ chùm bởi nguy cơ đổ rất cao khi mưa bão. "Bộ rễ chùm của cây xà cừ rất dễ bị tác động khi đào xới hè đường, do vậy cần hạn chế trồng loại cây này. Tôi rất lo ngại trên đường Phạm Văn Đồng khi mưa bão bởi hai bên là bạt ngàn xà cừ", GS Nguyễn Lân Hùng bày tỏ.

Nguồn: Vnexpress.net

 

Các tin khác